Bài viết đưa ra những thực trạng và đề xuất giải pháp quy hoạch, thiết kế nhà ở nông thôn (NONT) vùng đồng bằng Bắc Bộ phù hợp với quá trình đô thị hóa, giữ gìn kiến trúc truyền thống, thân thiện với môi trường nhưng vẫn đáp ứng được điều kiện tiện nghi ăn ở, sinh hoạt, học tập và sản xuất kinh tế hộ gia đình.
THỰC TRẠNG NHÀ Ở NÔNG THÔN VÙNG ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
Thực tế hiện nay, việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới chỉ tập trung vào cải tạo khu trung tâm xã như UBND, hội trường, chợ, nhà văn hóa và xây dựng các điểm dân cư nông thôn tại khu trung tâm xã. Còn nhà ở được xây dựng chen trong các làng, xã cũng như xây dựng bám theo trục đường làng thì hầu như chưa được quan tâm. Đánh giá về tình hình thực trạng xây dựng NONT vùng ĐBBB, chúng ta có thể nhìn nhận ở hai hướng như sau:
Hướng thứ nhất: Đối với nhà ở tại các làng xã truyền thống, gồm nhà ở bám theo trục đường làng và NONT mới xây trên đất của ngôi nhà ở truyền thống. Những ngôi nhà này được xây dựng theo hình mẫu nhà ống của đô thị những năm 90 của thế kỷ XX, do sao chép không có lựa chọn nên hầu hết đều không phù hợp với môi trường cảnh quan nông thôn. Đó là các loại nhà có chiều rộng từ 4 – 5m, chiều dài từ 10 – 20m, xây cao 1 – 3 tầng kiểu mái bằng, ngôi nhà chỉ có một hướng lấy ánh sáng từ mặt trước nên thường bị tối, khả năng chiếu sáng tự nhiên và thông gió rất kém, phải sử dụng đèn điện, quạt để chiếu sáng và làm mát không gian nên rất tốn năng lượng. Do nhu cầu ở cao lại thiếu sự quản lý, thiếu đất đai xây dựng, thiếu hiểu biết về sử dụng không gian ở cũng như những tác động ảnh hưởng khác của xã hội mà người dân đang phải sinh sống trong các ngôi nhà bê tông đơn điệu, thiếu không gian sinh hoạt, học tập nghỉ ngơi và nhất là không thích hợp với việc kết hợp sản xuất nông nghiệp của gia đình người nông dân.
Nếu như trước đây, NONT truyền thống có không gian ở và sản xuất tổ chức theo phương ngang, mái hiên liền với sân phơi rộng rãi, kết hợp vườn cây, ao cá tạo nên một phong cảnh trữ tình của làng quê vùng ĐBBB. Ngày nay, NONT lại chuyển sang tổ chức theo phương dọc và theo chiều cao, đồng thời bỏ bớt đi nhiều chức năng như sân vườn, chuồng trại chăn nuôi nên không gian NONT không còn đáp ứng được các tiêu chí về sinh hoạt, ăn ở kết hợp với sản xuất nông nghiệp, người dân phải thu hoạch nông sản ngay trên đồng ruộng, trên các trục đường giao thông, ngay tại các khu vực công cộng như đình làng, miếu thờ, nhà văn hóa làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan nông thôn.
Hướng thứ hai: Đối với NONT tại các điểm dãn dân và khu vực trung tâm thị tứ đang xây dựng rộng rãi ở vùng ĐBBB hiện nay, được chia làm hai loại:
Loại thứ nhất là nhà ở nằm trong quy hoạch điểm dân cư được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho phép và hỗ trợ kinh phí nhằm xây dựng nông thôn mới. Khảo sát cho thấy, phần lớn những khu dân cư này chưa xây dựng nhà ở mà chủ yếu xây dựng giao thông, vỉa hè và hệ thống cột điện. Việc quy hoạch phân khu kiểu bàn cờ đang tạo cho các điểm dân cư nông thôn mới sự lạc điệu so với cấu trúc làng xã truyền thống, các lô đất xây nhà chia lô theo kích thước chiều rộng từ 4 – 5m, chiều sâu từ 20m – 25m đang cho thấy sự cứng nhắc, khô khan trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, những khu vực quy hoạch dãn dân cũng không có các mẫu nhà ở cho người dân tham khảo xây dựng hoặc nếu có cũng không đáp ứng được nhu cầu ở và sản xuất kinh doanh của người dân.
Loại thứ hai là loại NONT xây tự phát tại các trục đường làng, đường liên xã (loại này không có quy hoạch, mà do xã, thôn bán đất theo kiểu “đổi đất lấy hạ tầng”), với lô đất có chiều rộng 5m, chiều dài 20m, xây kiểu hình hộp bằng bê tông cao 2 – 3 tầng, loại nhà ở phát triển tự phát này đang mang lại cho nông thôn hình ảnh kiến trúc tùy tiện, kiểu dáng hết sức lộn xộn. Nhìn chung, những loại nhà ở xây chen trong làng xã truyền thống cũng như tại các điểm dân cư nông thôn mới hiện nay đang mang lại những yếu tố bất lợi về môi trường ở, tiêu tốn năng lượng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nông dân, ảnh hưởng đến yếu tố về thẩm mỹ kiến trúc, đến cảnh quan nông thôn.
Nguồn ảnh: Internet
Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam