Tin tức
Giải pháp kiến trúc nhà ở nông thôn mới vùng đồng bằng Bắc Bộ

Nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về không gian ở, nhưng vẫn lưu giữ được nét văn hóa kiến trúc truyền thống, thân thiện với môi trường, chúng ta có thể đưa ra một số giải pháp như sau:

Về quy hoạch phát triển nông thôn mới:

Cần quy hoạch đồng bộ từ cải tạo chỉnh trang làng, xã truyền thống đến quy hoạch điểm dân cư nông thôn mới, cần tính đến mối quan hệ đối với làng, xã truyền thống, trong đó nên sử dụng chung một số công trình công cộng. Quy hoạch điểm dân cư nông thôn mới cần lựa chọn vị trí và quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với nhu cầu sản xuất của người dân. Ví dụ, nên chọn một số khu đất có giá trị kinh tế cao về mặt thương mại, thuận lợi về giao thông, gần chợ, gần trung tâm thị tứ của làng xã để quy hoạch điểm dân cư nông thôn mới như chúng ta đang thực hiện. Ở đây, quỹ đất chỉ bán cho các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ thương mại, gọi chung là hộ gia đình phi nông nghiệp. Khi phân chia lô đất, thống nhất lấy theo lô đất gốc với diện tích tối thiểu 100m2 (kích thước lô đất 5mx20m). Tùy theo điều kiện kinh tế và nhu cầu của mỗi hộ mà có thể mua từ 1,5 – 2 lô đất tương đương diện tích từ 150 – 200m2, với kích thước mặt tiền từ rộng 7,5m – 10m. Nếu là nhà vườn có tiêu chuẩn cao thì có thể mua nhiều lô đất để xây dựng. Tại bản quy hoạch, quy định rõ diện tích xây dựng là bao nhiêu mét vuông, chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm diện tích khu đất, còn lại là diện tích cây xanh và sân vườn. Cần thiết kế các mẫu NONT điển hình kèm theo việc diễn giải các vật liệu chủ yếu và kinh phí đầu tư để người dân tham khảo khi xây dựng.

Mặt khác, nên chọn một số khu đất có giá trị kinh tế thấp, xa trung tâm làng xã, xa trục đường giao thông lớn, gần với đồng ruộng canh tác, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp để quy hoạch khu đất dãn dân cho các hộ gia đình làm nông nghiệp và kinh tế trang trại, kinh tế vườn. Với các khu đất này, khi quy hoạch chia lô đất gốc nên có diện tích tối thiểu 150m2 (kích thước lô đất 7,5mx20m), sau đó có thể bán 1,5 lô đến 2 lô tùy theo nhu cầu của người dân. Đặc biệt chú ý, khi bán đất cho hộ sản xuất nông nghiệp, nên có trợ giá, bán với giá rẻ để người dân có thể đầu tư xây dựng. Nhằm giúp cho người dân làm nông nghiệp có thể mua được đất xây dựng nhà ở, chúng ta nên giảm thiểu giá thành bằng cách như sau: không tổ chức quy hoạch vỉa hè; chỉ bố trí điện chiếu sáng tại các ngã ba, ngã tư trong khu dân cư; không đầu tư làm đường giao thông mà dành do người dân đóng góp kinh phí tự làm; giảm thiểu các không gian công cộng và vui chơi giải trí, các không gian này người dân sẽ sử dụng chung với làng truyền thống hay điểm dân cư nông thôn mới tại các trung tâm làng, xã. Như vậy, chúng ta sẽ giúp cho người dân có chỗ ở và giảm việc xây chen nhà ở trong làng, xã truyền thống, tránh sự phá vỡ cấu trúc, giữ gìn những ngôi nhà gỗ có giá trị cần được bảo tồn nhằm phục vụ cho khách du lịch tham quan và đảm bảo môi trường sống nông thôn phát triển bền vững.

Về cấp phép xây dựng:

Nhất thiết phải cấp giấy phép và phải tuân theo một trong những mẫu thiết kế nhà điển hình đã trưng cầu dân ý trước đó. Khi thi công không được thay đổi hình thức bên ngoài cũng như diện tích xây dựng, chiều cao công trình đã phê duyệt, cho phép thay đổi không gian bên trong để phù hợp với nhu cầu mỗi hộ gia đình. Chú ý quan tâm đến khoảng lùi công trình so với đường giao thông, tránh hiện tượng xây dựng tùy tiện như hiện nay.

Về thiết kế mẫu NONT điển hình:

Cần quan tâm đến mẫu nhà ở tại điểm dân cư trung tâm xã, tại các khu dãn dân và nhà xây chen trong làng xã truyền thống. Cụ thể đề xuất 5 loại hình NONT phù hợp với quá trình đô thị hoá như sau:

1. Nhà ở thuần nông, là nhà ở dành cho gia đình sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, nhà ở cần thiết phải duy trì các chức năng như ăn, ở, sinh hoạt, học tập, sản xuất nông nghiệp, làm nghề phụ và chăn nuôi. Loại nhà này cho phép xây dựng trong làng truyền thống hoặc các khu đất dãn dân. Nhà ở thuần nông khi xây dựng cần lưu giữ lại hình thức kiến trúc và giải pháp tổ chức không gian truyền thống, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi và bảo vệ môi trường nông thôn, giải quyết tốt điều kiện vi khí hậu cho ngôi nhà, tăng cường thông gió, chiếu sáng tự nhiên và tiết kiệm năng lượng.

Nhà ở thuần nông có các chức năng chính như không gian tiếp khách, sinh hoạt chung, nơi thờ cúng tổ tiên, phòng ngủ kết hợp với không gian học tập. Chức năng phụ trợ như bếp nấu, phòng ăn, kho chứa đồ, hiên đón, hành lang, sân phơi, chuồng trại chăn nuôi, vườn cây, vườn rau xanh. Ngoài ra cần quan tâm đến khu vực đỗ các loại phương tiện xe cơ giới phục vụ cho sản xuất như ô tô tải, máy cày, máy kéo.

2. Nhà ở kiểu nông trang, là loại nhà ở thuần nông được xây dựng bởi một nhóm nhà ở của các gia đình cùng huyết thống, tách ra từ gia đình lớn trước đây, được xây trên khu đất cha ông để lại. Nhà ở kiểu nông trang là loại nhà khối ghép hoạt động độc lập nhưng có sân chung phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, có các phòng chức năng và nhà kho, có vườn cây riêng cho mỗi hộ gia đình.

3. Nhà ở kết hợp làm kinh tế trang trại, kinh tế vườn, là loại nhà ở được quy hoạch ven làng, xã nhằm phát triển kinh tế trang trại như vườn rừng, vườn đồi, ao hồ, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Loại nhà này gắn kết với cây xanh, mặt nước, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, ăn ở, phát triển kinh tế trang trại, đáp ứng điều kiện phát triển du lịch, có thể dành quỹ đất để xây dựng các phòng nghỉ và dịch vụ cho khách du lịch, nên nhóm họp một số trang trại phục vụ khai thác du lịch của địa phương, giúp quảng bá sản vật địa phương đối với du khách trong và ngoài nước. Khi quy hoạch hệ thống trang trại, nên định hướng quy hoạch phát triển kinh tế vườn của mỗi địa phương và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cho mỗi loại hình kinh tế trang trại, cần quan tâm bảo tồn cảnh quan kiến trúc và môi trường, giữ nguyên địa hình và lợi dụng địa hình để phân khu chức năng cho hợp lý, khoảng cách từ nhà ở đến chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo khoảng cách ly tối thiểu 200m. Nhà ở cũng có đầy đủ các phòng chức năng và nhà kho.

4. Nhà ở kết hợp với dịch vụ buôn bán thương mại, là nhà ở quy hoạch tại các trung tâm làng xã, thị tứ, ven đường giao thông, dành cho chức năng ở kết hợp với buôn bán thương mại. Nhà ở kết hợp với thương mại gồm chức năng chính như phòng tiếp khách, phòng sinh hoạt chung và phòng thờ cúng tổ tiên, phòng ngủ lớn, phòng ngủ nhỏ và học tập của trẻ em kết hợp với nhau. Các chức năng phụ trợ gồm không gian buôn bán, phòng giao dịch thương mại, kho chứa hàng hóa, bếp nấu và phòng ăn, khu vệ sinh; không gian để xe ô tô vận chuyển hàng hóa, sân trong lấy ánh sáng cho ngôi nhà, vườn sau nhà trồng cây xanh cải tạo điều kiện vi khí hậu; cổng có lối vào nhà riêng hoặc vào không gian bán hàng.

5. Nhà vườn, là loại nhà ở có tiêu chuẩn cao, nhà có sân, có vườn cảnh, vườn cây ăn quả, ao hồ. Loại nhà này dành cho người giàu hoặc người dân từ đô thị về nghỉ ngơi cuối tuần. Chức năng nhà vườn có tiêu chuẩn như nhà biệt thự vườn, ngoài ra còn bố trí cảnh quan cây xanh, mặt nước, sân vườn, đường đi dạo. Để kiến trúc nhà vườn gần gũi với cảnh quan nông thôn, nên tổ chức tổng mặt bằng và hình thức kiến trúc theo phong cách NONT truyền thống.

KẾT LUẬN KIẾN NGHỊ

Quá trình đô thị hóa và sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông thôn tất yếu sẽ làm biến đổi không gian ngôi NONT vùng ĐBBB. Xây dựng nông thôn mới nên quan tâm đến quy hoạch điểm dân cư nông thôn, việc quy hoạch điểm dân cư cần lựa chọn một số khu vực có giá trị kinh tế khác nhau để phục vụ cho nhiều đối tượng có nhu cầu sử dụng khác nhau. Cần thiết phải có một sự quản lý chặt chẽ từ các cấp chính quyền và các ban ngành đối với việc xây dựng NONT, cấp giấy phép xây dựng xuống tận các xã, tránh hiện tượng xây dựng tùy tiện như hiện nay. Tùy tình hình cụ thể của mỗi địa phương mà quan tâm thiết kế điển hình 5 loại hình NONT đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn ở và sản xuất của người dân, phù hợp với quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế – xã hội nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Việc quy hoạch phân khu kiểu bàn cờ đang tạo cho các điểm dân cư nông thôn mới sự lạc điệu so với cấu trúc làng xã truyền thống, các lô đất xây nhà chia lô theo kích thước chiều rộng từ 4 – 5m, chiều sâu từ 20m – 25m đang cho thấy sự cứng nhắc, khô khan trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, những khu vực quy hoạch dãn dân cũng không có các mẫu nhà ở cho người dân tham khảo xây dựng hoặc nếu có cũng không đáp ứng được nhu cầu ở và sản xuất kinh doanh của người dân. với lô đất có chiều rộng 5m, chiều dài 20m, xây kiểu hình hộp bằng bê tông cao 2-3 tầng, loại nhà ở phát triển tự phát này đang mang lại cho nông thôn hình ảnh kiến trúc tùy tiện, kiểu dáng hết sức lộn xộn.

Nhìn chung, những loại nhà ở xây chen trong làng xã truyền thống cũng như tại các điểm dân cư nông thôn mới hiện nay đang mang lại những yếu tố bất lợi về môi trường ở, tiêu tốn năng lượng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nông dân, ảnh hưởng đến yếu tố về thẩm mỹ kiến trúc, đến cảnh quan nông thôn. Khi người dân xây dựng nhà ở, chính quyền nhất thiết phải cấp giấy phép và phải tuân theo một trong những mẫu thiết kế điển hình mà đã trưng cầu dân ý trước đó. Khi thi công không được thay đổi hình thức bên ngoài cũng như diện tích xây dựng, chiều cao công trình đã phê duyệt, cho phép thay đổi không gian bên trong để phù hợp với nhu cầu mỗi hộ gia đình.

Thiết kế mẫu NONT điển hình, cần quan tâm xác định số tầng hoặc chiều cao của ngôi nhà. Nhà ở tại trung tâm thương mại, chiều cao từ 3-5 tầng hoặc cao không quá 18m. Nhà ở tại các làng xã truyền thống, khu đất dãn dân chiều cao từ 2-3 tầng hoặc cao không quá 12m. Mái nhà nên là mái dốc lợp ngói, đổ mái dốc dán ngói hoặc lợp tôn màu, kết hợp với mái bằng làm sân phơi.

Nhà ở kết hợp với thương mại nên tổ chức không gian theo kiểu nhà ống, không gian ở tách ra khỏi không gian buôn bán thông qua sân trong và phía sau có vườn rau xanh. Nhà ở thuần nông và nhà ở kiểu nông trang nên tổ chức không gian ở, sân phơi, vườn trồng rau, khu vực chăn nuôi gia cầm. Nếu điều kiện không cho phép bố trí sân phơi dưới mặt đất, nên bố trí sân phơi trên mái của ngôi nhà.

Nhằm giải quyết vấn đề thông gió và chiếu sáng tự nhiên cho NONT, giúp cho NONT thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng chúng ta nên quan tâm tổ chức lô gia, ban công cho ngôi nhà, tổ chức sân trong, sân trước, sân sau và sân trời trên mái. Tăng cường trồng cây xanh trên các không gian trống dưới mặt đất và trên mái, nên chú ý dành quỹ đất làm vườn trồng rau xanh.

Công ty cổ phần kiến trúc và xây dựng H Home
H Home architecture and construction.,JSC - Số 17, Phố Tố Hữu - Thành phố Hà Nội (Tòa nhà:Trung tâm Nội thất Phố - Xinh)

Hỗ Trợ: Mobi, Viber, zalo...: 094.669.47.99 ( Xem bản đồ )
 
Vì sao khách hàng chọn chúng tôi?
fanpage